Ý nghĩa Tuyên_ngôn_nhân_gian

Theo cách hiểu của Tổng tư lệnh Tối cao các lực lượng Đồng Minh đóng tại Nhật Bản - và cũng là cách hiểu truyền thống của phương Tây, bản tuyên ngôn này đã bác bỏ quan niệm xưa nay rằng Thiên hoàng Chiêu Hòa là con cháu của Thiên Chiếu Đại thần và thừa nhận rằng Thiên hoàng không phải là một vị thần sống. Ngay sau khi Thiên hoàng công bố bản tuyên ngôn, Thống tướng Douglas MacArthur tuyên bố rằng ông hài lòng với bản tuyên ngôn của Thiên hoàng và ông cho rằng đây là bằng chứng cho thành ý của Thiên hoàng trong tiến trình dân chủ hóa đất nước Nhật Bản.[1]

Tuy nhiên, ý nghĩa của bản tuyên ngôn - vốn được trình bày bởi một ngôn ngữ cổ và cầu kỳ của Hoàng gia Nhật Bản - luôn trở thành một đề tài cho nhiều cuộc tranh cãi. Ví dụ như thay vì dùng cụm từ thông dụng "Hiện nhân thần" (現人神, arahitokami) để ám chỉ "vị thần sống" (tức Thiên hoàng), bản tuyên ngôn sử dụng cụm từ "Hiện ngự thần" (現御神, akitsumikami). Trong khi "Hiện ngự thần" có thể được hiểu đơn giản là "thần sống", một số học giả như John W. DowerHerbert P. Bix cho rằng "Hiện ngự thần" mang nghĩa là "hiện thân của thần thánh" hoặc cao hơn nữa hàm ý chủ thể là một vị thần thật sự chứ không phải thần sống nữa. Điều này có nghĩa là "Hiện ngự thần" có thể "cao cấp" hơn "Hiện nhân thần", và nếu Thiên hoàng không thừa nhận ông là một "Hiện ngự thần" thì ông vẫn có thể là một "Hiện nhân thần", tức vẫn là một vị thần sống.

Bản thân Thiên hoàng Chiêu Hòa vẫn kiên trì quan điểm rằng dòng dõi Hoàng tộc Nhật Bản là con cháu của Thiên Chiếu Đại thần. Trong tháng 12 năm 1945 Thiên hoàng nói với Kinoshita Micho, viên Phó Tổng Thị tùng của ông như sau:

Chúng ta có thể chấp nhận việc cho rằng người dân Nhật Bản có nguồn gốc thần thánh là một quan niệm sai sự thật; tuy nhiên việc cho rằng Thiên hoàng là con cháu của thần thánh là một điều hão huyền thì thật khó mà chấp nhận được.
— Thiên hoàng Chiêu Hòa, [3]

Những ý kiến chỉ trích cách hiểu truyền thống của phương Tây - bao gồm cả ý kiến của Thiên hoàng Chiêu Hòa[4] - cho rằng việc chối bỏ nguồn gốc thần thánh của Thiên hoàng không phải là mục đích của bản tuyên ngôn. Họ cho rằng vì trong phần đầu của bản tuyên ngôn, Thiên hoàng đã trích nguyên văn Năm lời tuyên thệ của Triều đình Minh Trị năm 1868, ý định thật của Thiên hoàng là muốn chứng tỏ cho mọi người là Nhật Bản đã được dân chủ hóa ngay từ Thời kỳ Minh Trị chứ không phải đợi quân đội nước ngoài vào chiếm đóng thì mới được họ dân chủ hóa. Ngay trong một buổi phỏng vấn báo chí ngày 23 tháng 8 năm 1977, Thiên hoàng Chiêu Hòa đã bày tỏ mong muốn rằng người dân Nhật Bản không nên bỏ quên niềm tự hào về đất nước mình. Cách hiểu "không chính thống" được cũng cố bằng một nhận xét của Tổng lý Đại thần Shidehara khi bản tuyên ngôn được xuất bản. Lời bình phẩm của ông này nhấn quá mạnh vào thời kỳ đầu của thời Minh Trị, khi nền dân chủ Nhật Bản chưa thật sư ra đời, và thậm chí không hề nhắc tới việc Thiên hoàng có từ bỏ nguồn gốc thần thánh hay không.[4]

Reginald Horace BlythHarold Gould Henderson được cho là hai nhận vật đã góp nhiều công sức trong việc soạn thảo ra bản tuyên ngôn[5]. Hai ông cũng là người góp công truyền bá Thiền tông và thơ haiku của Nhật Bản ra thế giới.